Theo quy định của pháp luật Việt Nam, chứng chỉ xây dựng năng lực hạng 3 là điều kiện cần và đủ để các doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động thiết kế - thi công và đảm bảo chất lượng của các dự án xây dựng. Vậy điều kiện được cấp chứng chỉ này như thế nào? Thủ tục thực hiện ra sao? Trong bài viết này, CareerViet sẽ giải đáp chi tiết cho bạn.
Chứng chỉ năng lực hạng 3 là gì?
Chứng chỉ xây dựng năng lực hạng 3 là một loại giấy tờ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về xây dựng cấp cho các tổ chức hoặc doanh nghiệp khi đã đáp ứng đủ các yêu cầu về năng lực, kỹ thuật và tài chính để tham gia vào các hoạt động xây dựng, thiết kế hoặc quản lý dự án thuộc một nhóm công trình hoặc hạng mục công việc nhất định.
Điều kiện cấp chứng chỉ năng lực hạng 3
Hầu hết các công ty/doanh nghiệp muốn tham gia đấu thầu, nghiệm thu và nhận quyết toán công trình nhóm C hay công trình cấp III đều bắt buộc phải đạt được chứng chỉ năng lực hạng 3. Vì vậy, để có được chứng chỉ này, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
Lĩnh vực thi công xây dựng công trình
- Doanh nghiệp phải có tối thiểu 1 cá nhân đủ điều kiện năng lực làm chỉ huy trưởng cho công trình hạng III trở lên (tức phải có chứng chỉ hành nghề giám sát hạng III trở lên) tương đương với công trình xây dựng muốn xin cấp chứng chỉ xây dựng năng lực hạng 3. Ví dụ: Công ty muốn xin chứng chỉ xây dựng năng lực hạng 3 cho lĩnh vực thi công dân dụng hạng 3 phải có ít nhất 1 nhân sự có chứng chỉ hành nghề giám sát hạng III trên lĩnh vực thi công dân dụng.
- Người phụ trách thi công phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với lĩnh vực công việc được đảm nhận.
- Có đội ngũ thợ, nhân viên kỹ thuật có chuyên môn, nghiệp vụ đi kèm chứng chỉ đào tạo nghề hoặc sơ cấp nghề.
- Sở hữu hệ thống máy móc, thiết bị phục vụ công tác thi công xây dựng.
Lĩnh vực thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng công trình
- Doanh nghiệp phải có tối thiểu 1 chủ nhiệm thiết kế công trình có chứng chỉ hành nghề thiết kế hạng III trở lên.
- Đối với lĩnh vực dân dụng cần có thêm chủ trì kết cấu, cơ điện, cấp thoát nước.
- Cán bộ kỹ thuật tham gia thiết kế phải có chuyên môn, nghiệp vụ tương ứng với loại lĩnh vực xin cấp.
Lĩnh vực tư vấn quản lý dự án
- Doanh nghiệp cần có ít nhất 1 cá nhân có đủ điều kiện, năng lực ở vị trí giám đốc quản lý dự án của dự án nhóm C.
- Cần có 1 chủ trì giám sát lĩnh vực phù hợp với lĩnh vực xin cấp chứng chỉ.
- Cần có 1 cá nhân là dự toán viên (kỹ sư định giá công trình)
Lĩnh vực tư vấn giám sát thi công xây dựng
- Doanh nghiệp phải có ít nhất 1 cá nhân có chứng chỉ hành nghề giám sát hạng III trở lên làm giám sát trưởng của công trình muốn xin cấp.
- Cần có tối thiểu 1 giám sát viên có chứng chỉ hành nghề giám sát công trình hạng III trở lên.
- Giám sát trưởng phải có kinh nghiệm giám sát thi công hoặc tham gia lập thiết kế, thẩm định thiết kế hoặc thi công xây dựng tối thiểu 1 công trình cấp III hay tối thiểu 2 công trình cấp IV cùng loại.
Lĩnh vực khảo sát xây dựng
- Doanh nghiệp cần có phòng thí nghiệm hoặc hợp đồng nguyên tắc về việc liên kết thực hiện việc thí nghiệm với phòng thí nghiệm phục vụ khảo sát xây dựng được Bộ Xây Dựng công nhận.
- Sở hữu máy móc, thiết bị phục vụ cho công tác khảo sát.
- Các cá nhân là chủ nhiệm, chủ trì khảo sát phải có chứng chỉ hành nghề khảo sát từ hạng III trở lên
- Có đội ngũ cán bộ kỹ thuật tham gia khảo sát có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp.
Chứng chỉ năng lực hạng 3 được cấp bởi cơ quan nào?
Chứng chỉ xây dựng năng lực hạng 3 sẽ do Sở Xây dựng cho các doanh nghiệp đã đáp ứng đủ các điều kiện xin cấp chứng chỉ theo đúng quy định của pháp luật. Chứng chỉ xây dựng năng lực hạng 3 sẽ có giá trị 10 năm tính từ ngày cấp và có hiệu lực trên toàn quốc.
Hồ sơ xin cấp chứng chỉ năng lực hạng 3 gồm những gì?
Để được cấp chứng chỉ xây dựng năng lực hạng 3 doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ sau đây:
- 01 Bản sao của giấy đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp hoặc quyết định thành lập của tổ chức chụp từ bản chính.
- 01 Đơn xin đề nghị cấp chứng chỉ năng lực xây dựng hạng 3 theo mẫu phụ lục V nghị định số 100/2018/NĐ-CP.
- Tệp tin chứa ảnh hoặc bản scan từ bản chính của những văn bằng chứng chỉ hành nghề/chứng chỉ nghề/hợp đồng lao động của các nhân sự chủ chốt trong công ty có liên quan đến lĩnh vực xin cấp chứng chỉ năng lực xây dựng hạng 3.
- Bản kê khai kinh nghiệm hoạt động của các cá nhân chủ chốt trong công ty (bao gồm chỉ huy trưởng, giám sát trưởng, chủ nhiệm, chủ trì).
- Bản kê khai kinh nghiệm hoạt động xây dựng của tổ chức, doanh nghiệp bao gồm: bản scan hợp đồng kinh tế, biên bản nghiệm thu để chứng minh năng lực kinh nghiệm.
Thủ tục xin chứng chỉ năng lực xây dựng hạng 3
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ trong hồ sơ xin cấp chứng chỉ xây dựng năng lực hạng 3, doanh nghiệp tiến hành gửi bộ hồ đến Sở Xây Dựng cấp tỉnh/thành phố qua hình thức trực tuyến hoặc đến trực tiếp tại trụ sở để xin cấp chứng chỉ.
Trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ thời gian nhận được hồ sơ xin cấp chứng chỉ xây dựng năng lực hạng . Sở xây dựng cấp tỉnh/thành sẽ có trách nhiệm giải quyết, xem xét hồ sơ, nếu chưa hợp lệ, Sở xây dựng sẽ gửi thông báo bằng văn bản đến đơn vị xin cấp chứng chỉ xây dựng năng lực hạng 3 để yêu cầu bổ sung, sửa chữa hoặc thực hiện phúc tra để xác minh tính chính xác của hồ sơ.
Chứng chỉ xây dựng năng lực hạng 3 được ví như là giấy phép hoạt động nhằm thể hiện sự uy tín, chuyên nghiệp của các doanh nghiệp/đơn vị phục vụ trong ngành xây dựng. Vì vậy, bạn cần tìm hiểu thật kỹ các điều kiện và thủ tục để được cấp chứng nhanh nhất nhé!
Tại website CareerViet.vn đang tuyển dụng rất nhiều vị trí liên quan đến ngành xây dựng, vì vậy hãy truy cập ngay để tìm kiếm việc làm phù hợp cho mình bạn nhé!
Nguồn: CareerViet